Theo CBRE, tính đến quý 3/2020, tổng diện tích đất của các khu công nghiệp tại 5 tỉnh thành phố công nghiệp chính miền Bắc bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng đạt 13.800 ha, với 9.600 ha đất công nghiệp cho thuê. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của khu công nghiệp duy trì ở mức tích cực 79%. Trong đó, các khu công nghiệp tại Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 90%.
Đối với thị trường Miền Nam, tổng diện tích đất công nghiệp gấp đôi thị trường miền Bắc, đạt mức khoảng 38.000ha trong đó 24.000ha đất công nghiệp cho thuê bao gồm Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu với mức tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt gần 77%.
VIỆT NAM SẼ ĐÓN LÀN SÓNG DỊCH CHUYỂN TRONG NĂM 2021?
CBRE nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những điểm đến thu hút các nhà đầu tư của các công ty có dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc.
Các chuyên gia của Savills cũng cho rằng, nhu cầu tiếp tục vượt cung với tỷ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp đạt 76% trên toàn quốc, nhu cầu cho phân khúc này là rất lớn ở các tỉnh công nghiệp trọng điểm.
Hầu hết các giao dịch cho thuê trong 6 tháng đầu năm 2020 bắt nguồn từ các dự án và các cuộc thương thảo diễn ra từ 2019, trong khi nhiều hợp đồng thuê cũng được thực hiện từ các công ty đã ở Việt Nam và muốn mở rộng sản xuất.
Dự kiến trong năm 2021 và 2022, các nhà sản xuất sẽ dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, đây là cơ hội để các nhà đầu tư tung ra nhiều dự án hơn để bắt kịp và đáp ứng các khoản đầu tư sản xuất giá trị cao.
“Quý cuối có thể được chứng kiến các nhà đầu tư và người thuê cố gắng nhanh chóng hoàn tất các cuộc đàm phán cũng như đạt được các thỏa thuận song phương với các đợn vị phát triển bất động sản để chốt được mức giá có lợi nhất trong khi các chủ đầu tư vẫn có thể linh hoạt đàm phán trong bối cảnh đại dịch.
Nếu các chuyến bay được đưa vào hoạt động vào 6 tháng đầu năm 2021, giá thuê đất, nhà xưởng và kho bãi có thể sẽ tăng lên, khiến các nhà đầu tư phải chốt giá càng sớm càng tốt”, Savills Việt Nam nhấn mạnh.
KHAN HIẾM TRẦM TRỌNG NGUỒN CUNG ĐẤT BÀN GIAO SẴN
Nhu cầu bất động sản công nghiệp sắp tới là lớn, tuy vậy, theo các chuyên gia của CBRE, “nguồn cung đất công nghiệp sẵn sàng bàn giao ngay tại các khu công nghiệp tại cả hai miền đều trong tình trạng khan hiếm”. Đây là điểm bất lợi của bất động sản công nghiệp Việt Nam và cần phải khắc phục để khơi thông được dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam.
Giám đốc JLL Việt Nam cũng cho rằng, quỹ đất phát triển khu công nghiệp Việt Nam đang rất hạn hẹp, quỹ đất có hạ tầng giao thông tốt còn hạn chế hơn. Nếu muốn lấy đất mở rộng các khu công nghiệp cũng gặp rào cản. Với hệ thống hạ tầng hiện tại, lo ngại Việt Nam thực tế không thể đáp ứng dược hết những yêu cầu của nhiều nhà đầu tư lớn đến từ nước ngoài.
Phó tổng thư ký VnREA nhấn mạnh, Việt Nam muốn thu hút, hấp thụ được làn sóng FDI ồ ạt trước hết cần phải có sự đầu tư mạnh hơn về đất đai, cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận tiện, chi phí logistics rẻ thì mới chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút nhà đầu tư vào Việt Nam.
Hiện nay các khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung nhiều ở các khu vực kinh tế lớn như Bắc Bộ, Nam Bộ, trong khi đó miền Trung lại là khu vực phát triển công nghiệp chưa mạnh, do đó Việt Nam có thể đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, cảng biển để thu hút các doanh nghiệp FDI vào khu vực này.
(Theo vneconomy.vn)